TẦM QUAN TRỌNG CỦA TƯ DUY PHẢN BIỆN (CRITICAL THINKING)

 

_Diệu Khanh_

Chương trình giảng dạy của New Zealand về sức khỏe và giáo dục thể chất (1999) đã xác định về tư duy phản biện (critical thinking) là “kiểm tra, đặt câu hỏi, đánh giá và thách thức các giả định được đưa ra về các vấn đề và thực tiễn” và hành động phản biện là “hành động được đưa ra dựa trên tư duy phản biện”.

Theo định nghĩa trên về tư duy phản biện, kết hợp với việc ứng dụng những nghiên cứu đó vào môi trường giáo dục, thì một học sinh có tư duy phản biện có thể:

  • Tư duy một cách khoáng đạt và mang tính khám phá.
  • Phát hiện ra những giải pháp mang tính sáng tạo.
  • Sử dụng kĩ năng lập luận để phân tích và đưa ra giả định.
  • Lên kế hoạch và tư duy có chiến lược.

Kĩ năng tư duy phản biện giúp cho học sinh:

  • Sử dụng các giả định trong tư duy của mình và giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục sức khỏe, giáo dục thể chất và tài chính gia đình.
  • Đưa ra các quyết định hợp lý và thuyết phục đối với các vấn đề mang tính cá nhân và xã hội.
  • Trải nghiệm và thực hành (cá nhân và tập thể) các vấn đề xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị.
  • Hiểu về vai trò và ý nghĩa về sự vận động của văn hóa và ảnh hưởng của nó đến đời sống ngày nay của con người.

Để giúp học sinh có tư duy phản biện và hành động phản biện, người giáo viên cần:

  • Có nhận thức đúng đắn về các kiến thức nền để hỗ trợ học sinh nghiên cứu sâu vào các nội dung.
  • Luôn thử thách và gợi mở cho học sinh đưa ra các ý kiến riêng của mình, không tư duy thay cho học sinh và giúp các em hiểu giáo viên không phải là nguồn kiến thức duy nhất.
  • Khuyến khích học sinh nhìn vào tổng thể của vấn đề bằng cách lôi cuốn các em vào quá trình tư duy phản biện phù hợp ngoài lớp học.
  • Luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của học sinh và sử dụng những trải nghiệm cá nhân của học sinh để khái quát thành kiến thức.
  • Khuyến khích học sinh đặt ra câu hỏi và phản biện lại các quan điểm, cấu trúc đã được đưa ra.
  • Khuyến khích học sinh để ý đến cảm xúc của người khác.
  • Đưa ra nhiều cách đánh giá bằng cách cho học sinh thời gian để lên kế hoạch, thực hiện quá trình, phỏng vấn,…
  • Thiết kế bài học để học sinh có thể hoạt động tích cực và phát huy tính sáng tạo cũng như bộc lộ năng lực của mình.

Để phát triển tư duy phản biện và hành động phản biện, học sinh cần:

  • Học cách trở nên có trách nhiệm với việc phân tích và giả định cho các thông tin.
  • Đưa ra những ý kiến phản hồi cho những phân tích, đánh giá và hành động của người khác.
  • Học cách nhận diện những điều chưa thỏa đáng và đặt các mối quan hệ trong phạm vi giáo dục sức khỏe, thể chất, kinh tế gia đình.
  • Phản hồi các quan điểm, nhận định, hành vi,… và giải thích nguyên nhân.
  • Đưa ra các giải pháp thay thế và chấp nhận hoặc phản đối chúng một cách tế nhị.
  • Phát huy sự tự tin khi giao tiếp với người khác trong khi phản biện.

Sự mô tả các mô hình dạy và học trong giáo dục minh họa một cách tiếp cận liên tục và có quá trình, từ cách tiếp cận “dạy bằng cách nói” đến một phương pháp yêu cầu giáo viên và học sinh tham gia vào tư duy phản biện. Tư duy phản biện là một kĩ năng cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện đại, phát triển tư duy phản biện ở người học là mục đích của giáo dục hiện đại, với mong muốn tạo ra những bước tiến mang tính đột phá trong giáo dục.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *