10 PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ GIÚP PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG TƯ DUY ĐỘC LẬP CỦA HỌC SINH

Khi học sinh trở nên chủ động tích cực trong học tập, các em sẽ hiểu rằng có nhiều hơn 1 câu trả lời đúng cho 1 câu hỏi cho dù đó là câu trả lời khách quan hay chủ quan. Có vô vàn cách giúp giáo viên phát triển kĩ năng tư duy độc lập ở học sinh. Dưới đây chúng tôi xin đưa ra 10 phương pháp hiệu quả.

Kĩ năng tư duy độc lập giữ vị trí hàng đầu trong việc học để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi. Kĩ năng này dạy cho học sinh làm thế nào để làm nên ý nghĩa cho thế giới xung quanh dựa vào những trải nghiệm cá nhân và quá trình quan sát của mình, và đưa ra các quyết định quan trọng. Như vậy, các em sẽ có được sự tự tin và khả năng học hỏi từ những sai lầm, từ đó xây dựng một tương lai thành công và phát triển.

1. Tạo môi trường “mở”
Học sinh thường ngồi trong lớp và nghe thầy cô giảng bài, nhưng những giáo viên muốn khuyến khích tư duy độc lập thì nên làm rõ vào ngày đầu tiên đến lớp rằng lớp học này sẽ hoàn toàn khác. Hãy để người học biết rằng sẽ có ít bài giảng một chiều và có nhiều cơ hội hơn để các em nói và viết về những gì mình học. Ví dụ, treo một kí hiệu trong lớp học nhắc nhở học sinh mỗi ngày rằng các em nên là người học tích cực, củng cố rằng bạn đang gợi mở tư duy độc lập.

2. Khen thưởng sáng kiến
Giao cho học sinh cùng một bài tập và kiểm tra – đó không phải là cách tốt nhất để xác định điểm của mỗi học sinh. Đó là lý do tại sao giáo viên nên phải xác định rõ ràng ngay từ đầu rằng họ muốn học sinh của mình trở thành những người học tích cực hơn là những người học thụ động.

3. Xem xét kĩ lưỡng công việc độc lập của học sinh
Giáo viên phải càng cụ thể càng tốt khi xem xét bài tập – một con điểm và một vài ý kiến là không đủ. Trong trường hợp này, hãy sử dụng quy tắc 3×3 – cho học sinh biết ít nhất 3 điều các em đã làm đúng và cho cho các em 3 mẹo để cải thiện.

4. Phân công dự án nghiên cứu
Nếu bạn có 25 học sinh trong lớp, tại sao tất cả 25 em phải đọc cùng một chương trong một cuốn sách Khoa học Xã hội hoặc trả lời các câu hỏi Toán tương tự nhau lặp đi lặp lại? Việc mỗi học sinh làm một hoặc nhiều dự án nghiên cứu thay cho bài tập về nhà thường xuyên trong năm học sẽ có ích hơn nhiều, nếu không phải tất cả, thì mỗi học sinh sẽ phát triển một kỹ năng khác nhau.

5. Hãy để học sinh “Dạy”
Cho phép các học sinh làm một dự án nghiên cứu để chia sẻ thông tin mà họ học được với cả lớp có hai lợi thế. Đầu tiên, học sinh – giáo viên có cơ hội để cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng miệng của họ. Thứ hai, các học sinh khác trong lớp có thể học nhiều hơn khi được dạy bởi một người bạn cùng lớp. “Khi học sinh lắng nghe lẫn nhau, chúng thường được hưởng lợi từ các khái niệm nghe được giải thích từ các điểm khác nhau và theo cách có thể gần gũi hơn với cách suy nghĩ của học sinh”.

6. Hãy để học sinh sắm vai
Việc cho học sinh sắm vai vào từng nhân vật trong từng hoàn cảnh cụ thể có thể giúp các em hiểu vấn đề tốt hơn nhiều so với nghe các bài giảng truyền thống. Một vở kịch có thể giúp học sinh suy nghĩ độc lập hơn. Yêu cầu học sinh viết hoặc phát biểu như thể họ là những nhân vật chính cũng rất hữu ích.

7. Khuyến khích nhiều quan điểm khác nhau
Học sinh nên được cho phép bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề càng nhiều càng tốt. Về khía cạnh này, các cuộc thảo luận trong lớp học nên được tổ chức thường xuyên để học sinh có cơ hội được tranh luận về các vấn đề quan trọng.

8. Khuyến khích ý tưởng
Trong việc ghi chép, học sinh thường có xu hướng viết ra những điểm nổi bật trong bài giảng của giáo viên. Thay cho việc này, giáo viên nên khuyến khích học sinh viết ra các câu hỏi và ý tưởng mà họ có. Một số học sinh sẽ rất đề cao cơ hội để chia sẻ ý tưởng của mình bằng lời nói. Bên cạnh đó, các tạp chí tuổi teen cũng có thể cung cấp cho các em học sinh cơ hội để viết ra những suy nghĩ của mình và gửi những điểm nổi bật trong bài của các em về cho giáo viên.

9. Đưa ra những câu hỏi mở
Học sinh thường rất háo hức với những câu hỏi khó, ví dụ như:
– Tự do là gì?
– Dân chủ là gì?
– Là một công dân, trách nhiệm của bạn là gì?
Phân chia học sinh vào các nhóm nhỏ để thảo luận những câu hỏi như trên là một phương pháp hay. Yêu cầu các nhóm trình bày những điểm nổi bật trong phần thảo luận của nhóm mình với cả lớp. Quay trở lại câu hỏi đó vào nhiều tháng sau sẽ giúp học sinh có cơ hội thể hiện tư duy độc lập của mình với các câu hỏi đã được hoàn thiện.

10. Chú ý vào sự tích cực
Rủi ro và thất bại là những điều khó có thể trán được. Hãy khen ngợi học sinh vì đã chấp nhận rủi ro và sau đó tập trung vào việc giúp các em rút ra bài học kinh nghiệm. Dần dần, các em sẽ có được khả năng tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình và trở nên tự lập hơn.

Diệu Khanh